Tích cực đề phòng công ty ma ‘đục nước béo cò lừa người ‘khát việc’
Cứ mùa hè đến, những công ty ma lại mừng như được mùa khi nhiều sinh viên ra trường muốn tìm việc làm. Và chúng cũng có cơ hội lừa đảo những người đáng thương
Lắm chiêu
Một tháng trở lại đây, các “cò″ việc làm thường xuất hiện trước cổng trường đại học, cao đẳng hay các trung tâm giới thiệu việc làm, lân la bắt chuyện với các bạn sinh viên để tìm mối. Hoàng Hoa (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) kể: “Hôm trước, nhóm tụi mình thi xong, đang bàn tán về chuyện tìm việc làm thêm ngoài cổng trường thì có một anh bám theo gợi ý giới thiệu việc.
Tụi mình thấy có nhiều điểm không rõ ràng, hỏi lại cặn kẽ thì anh này lắc đầu, bỏ đi”. Nguy hiểm hơn, các “cò″ còn bạo gan vào thẳng các trường đại học để lừa gạt. Ngoại hình các cò này rất chỉn chu, đeo thẻ nhân viên, tay cầm hồ sơ dày cộm khiến nhiều bạn lầm tưởng là nhân viên công ty đến trường tuyển dụng.
Công thức chung để moi tiền sinh viên của các “cò″ là đưa ra danh sách các công việc “xịn” như: Phục vụ nhà hàng năm sao, nhân viên văn phòng với mức lương cao… Khi sinh viên đã “chịu”, các “cò″ sẽ bày ra các khoản tiền lệ phí môi giới, tiền đồng phục, tiền trà nước với công ty. Thậm chí, “cò″ còn vẽ ra thêm nhiều khoản khác như: Tiền in logo, tiền làm thẻ nhân viên, hòng moi được càng nhiều tiền càng tốt.
Thanh Thảo (trường ĐH Sài Gòn) cho biết: “Mình đăng ký tìm việc ở một website trên mạng. Chưa đầy một ngày đã nhận hồi báo đi làm ở một công ty lớn và phải đóng 1 triệu đồng tiền “giữ chỗ”. Nhân viên còn giải thích, tiền giữ chỗ chỉ để “làm tin”, nếu không đi làm sẽ được trả lại. Mình trót dại, tin theo. Khi đi làm, công việc rất tệ, hoàn toàn không như lúc đầu mình nghe tô vẽ. Đòi lại tiền giữ chỗ thì không được”.
Để tạo lòng tin, nhiều “cò″ hẹn phỏng vấn sinh viên ở các trung tâm thương mại lớn. Trâm Anh (trường ĐH Tôn Đức Thắng), một nạn nhân mới đây, kể lại: “Trước khi đi xin việc, mình cũng được nhiều bạn bè cảnh báo, chỉ cho biết dấu hiệu nhận dạng những công ty “ma”.
Nhưng thấy người phỏng vấn ăn mặc lịch sự, giới thiệu là “trưởng phòng nhân sự” và còn hẹn phỏng vấn tại quán cà phê sang trọng tại trung tâm thương mại ở quận 1, mình đã mất cảnh giác. Sau khi phỏng vấn hơn 30 bạn sinh viên, người này công bố danh sách 20 bạn được nhận vào công ty làm việc và nhờ thư ký thu tiền đồng phục 500.000 đồng ngay tại chỗ, với lời hứa “một tuần sau sẽ đi làm”. Một tuần sau, tìm đến công ty, mình mới biết là đã bị lừa”.
Sinh viên tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q1 TP.HCM). Để tránh bị lừa, các bạn nên tìm đến những địa chỉ uy tín như thế này..
Ăn chặn đủ kiểu
Có được một công việc làm thêm trong Hè, các bạn sinh viên vẫn chưa hết lo lắng. Năm nay, việc làm khan hiếm hơn, nhiều bạn chấp nhận bị chèn ép, làm một số việc lương thấp. Minh Giang (trường ĐH Công nghiệp TP. HCM) chia sẻ: “Giá tiền công trung bình khi làm ở các trung tâm tiệc cưới trước đây là 15.000 – 20.000 đồng/giờ thì nay, gần nghỉ Hè, lượng sinh viên đăng ký đông nên nhiều nơi hạ xuống chỉ còn 12.000 đồng, chưa kể tình trạng bị giảm ca.
Những bạn tranh thủ Hè chuyển sang làm cố định theo ngày thì bị bắt đi sớm về trễ, lố đến 2 – 3 giờ/ca nhưng vẫn phải chấp nhận”. Quỳnh Trang (trường ĐH Sài Gòn) ấm ức kể lại trường hợp của mình, bị chủ ép làm thêm nhiều việc: “Mình đăng ký làm nhân viên bán hàng nhưng chủ quầy muốn tiết kiệm chi phí nên cho mình làm luôn các công việc lau dọn, sai vặt, thậm chí, bắt đi giao hàng”.
Trên Facebook, nhiều bạn sinh viên đã đưa ra một số khuyến cáo mách nước: Trước khi nhận việc, các bạn nên đọc thật kỹ các thỏa thuận về lương và công việc. Nhiều trường hợp, đến tháng nhận lương lại ít hơn khoản thông báo ban đầu. Chủ cửa hàng tráo trở rằng, đây là lương thử việc, sau 3 tháng mới có lương chính thức.
Chiêu bài mới của các chủ kinh doanh khi muốn ăn chặn tiền của sinh viên mới đi làm là trừ đi một khoản vào cuối tháng. Khoản này được chủ thông báo là để đóng bảo hiểm nhưng nếu ai nghỉ ngang là coi như mất trắng. Thanh Phúc (trường ĐH Sư phạm TP. HCM) kể: “Mình từng làm ở một cửa hàng thức ăn vặt. Ban đầu, quản lý bảo bao cơm nhưng thực chất chỉ là đồ ăn thừa trong bếp.
Cuối tháng, nhà hàng vẫn trừ tiền nhân viên, chưa kể còn đẻ ra thêm đủ thứ quy định: Đi trễ cũng trừ tiền, phục vụ trễ cũng trừ tiền…”.
Đề phòng công ty “ma”
Trên một số diễn đàn, các bạn sinh viên đưa ra cảnh báo về những vụ lừa đảo của các công ty truyền thông “ma”. Điển hình nhất là vụ lừa đảo của trang online 19day, ra đời cách đây không lâu. Theo đó, sinh viên chỉ cần viết bài theo yêu cầu, nếu được đăng sẽ có nhuận bút.
Vì toàn bộ công việc thực hiện qua e-mail nên nhiều cộng tác viên làm được vài tháng vẫn chưa được gặp người quản lý trang, chỉ nhận việc qua mai mối của các bạn làm việc trước đó. Sau một thời gian, bất ngờ trang này thông báo ngưng hoạt động, website biến mất, tiền lương không được trả. Nhiều sinh viên bức xúc tìm cách gặp quản lý trang để lấy tiền nhưng… vô vọng.
Duy Anh (trường ĐH Tài chính Marketing), một cộng tác viên thường trực, cho biết: “Mình đã dành nhiều tâm huyết cho công việc. Do lạc quan, tin người, nhìn thấy quy trình tuyển dụng, hợp đồng, điều lệ đầy đủ nên mình cũng không đặt nghi ngờ khi tham gia.
Chuyện tiền lương không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề vật chất mà còn làm tổn thương đến niềm tin khi đi làm. Trong quá trình làm việc, công ty yêu cầu rất cao, đề cao tính trách nhiệm nhưng đến khi đột nhiên mất tích thì công ty chẳng có tí trách nhiệm nào”.
Phương án khác của một số bạn sinh viên để kiếm việc có thu nhập cao hơn là chọn những việc có thêm khoản tiền “tip”. Tiền này do khách cho thêm hoặc tiền dư từ hóa đơn. Theo quy định nhiều nơi, tiền này sẽ chia đều vào cuối tháng cho nhân viên. Tuy vậy, các khoản này khá mông lung và khó đến được tay sinh viên vì phụ thuộc vào trưởng nhóm hay quản lý ca của nhà hàng.
Leave a Reply