10 bí quyết bỏ túi khi phỏng vấn ở công ty khởi nghiệp
Đối với hầu hết doanh nghiệp (DN), điều quan trọng nhất trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng là kinh nghiệm và kỹ năng của ứng viên phải phù hợp với bảng mô tả công việc. Với công ty khởi nghiệp, điều này cũng cần thiết nhưng chưa đủ.
“Một bản sơ yếu lý lịch tốt giúp bạn có được cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng nhưng không thể giúp bạn trúng tuyển. Bởi vì nhà lãnh đạo các công ty khởi nghiệp và cả nhà đầu tư ngày nay đều biết rằng, trong môi trường kinh doanh hiện đại, yếu tố nhân lực và sự tập trung tối đa vào nhu cầu khách hàng luôn mang tính sống còn đối với sự thành công của DN, thậm chí còn hơn cả chất lượng sản phẩm”, Martin Zwilling – nhà sáng lập, CEO của Công ty Startup Professionals (chuyên cung cấp các dịch vụ cần thiết cho DN khởi nghiệp trên khắp thế giới), cho biết trên Forbes.
Theo Martin Zwilling, nếu bạn muốn ứng tuyển vào một công ty khởi nghiệp, hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy những tố chất quan trọng sau đây trong buổi phỏng vấn:
1. Tập trung vào hành động
Môi trường kinh doanh hiện đại thay đổi liên tục. Khi dữ liệu trên internet ngày càng nhiều thì cơ hội và thách thức đến với DN cũng ngày một nhiều hơn.
Khách hàng và đối thủ cạnh tranh là những người “không biết chờ đợi”, vì thế, các công ty khởi nghiệp luôn tìm kiếm ứng viên biết cách tập trung vào hành động, biết thực hiện những quyết định hợp lý vào đúng thời điểm. Căn cứ quan trọng nhất để đánh giá nhân viên là kết quả công việc chứ không phải là quá trình làm việc.
2. Thể hiện sự tự giác và tinh thần trách nhiệm
Khi công ty khởi nghiệp bất ngờ gặp trục trặc, việc đổ lỗi cho nhau không giải quyết được gì. Một người có tinh thần tự giác cao, biết chủ động nhận lấy trách nhiệm và xử lý sự cố luôn là “tài sản vô giá” với mọi công ty. Hãy cho nhà tuyển dụng biết ở vị trí trước đây, bạn không bao giờ nề hà khi phải làm nhiều hơn phần việc được trả lương theo hợp đồng.
3. Linh hoạt với những thay đổi
Bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy mình hiểu rõ tầm quan trọng của quy trình làm việc, tuy nhiên, khi có vấn đề phát sinh dẫn đến phải thay đổi quy trình, bạn cũng sẽ linh hoạt nắm bắt và điều chỉnh công việc cho phù hợp. Việc này đòi hỏi bạn phải nhanh nhạy và có tài ứng biến.
4. Biết cách tạo lập quan hệ
Các công ty khởi nghiệp đều biết rằng chọn ứng viên biết cách tạo lập quan hệ sẽ giúp tăng cường kết nối với khách hàng, cải thiện hiệu quả kinh doanh, đồng thời nâng cao tinh thần làm việc của cả tập thể. Hãy thể hiện tốt kỹ năng này của bạn trong buổi phỏng vấn.
5. Luôn tìm tòi, học hỏi điều mới
Trong cuộc phỏng vấn, đừng quên thể hiện đúng lúc sự hiếu kỳ của bạn bằng cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Sau đó hãy thực hành kỹ năng lắng nghe và chắt lọc thông tin hữu ích nhất từ những dữ liệu thu thập được.
Bởi vì trong một công ty khởi nghiệp, việc tìm hiểu về nhu cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh cũng như sự phản hồi của khách hàng là nhiệm vụ của tất cả nhân viên.
6. Kiên trì với thử thách
Nhà tuyển dụng thông minh thường thích đưa ra những câu hỏi khó và nhiều tình huống oái oăm để thử thách sự kiên trì của ứng viên, vì tính linh hoạt và sự thường xuyên phải đối mặt với rủi ro cũng là những yếu tố đặc thù của môi trường khởi nghiệp. Do đó, nếu muốn lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng, bạn phải bộc lộ được tố chất này trong buổi phỏng vấn.
7. Khả năng phán đoán tình huống
Những ứng viên có chỉ số cảm xúc (EQ) cao (thể hiện qua việc giao tiếp tốt, dễ dàng hiểu được ngôn ngữ cơ thể cũng như cảm xúc của người khác) là “tài sản” quý đối với bất kỳ nhóm làm việc, công ty khởi nghiệp hoặc một dịch vụ nào lấy khách hàng làm trung tâm.
Hầu như không có vấn đề nào tuyệt đối rạch ròi, vì vậy, ứng viên tiềm năng không nên để bị cái “tôi” chủ quan chi phối quá trình tìm hiểu nhà tuyển dụng mong đợi gì ở mình.
8. Không phụ thuộc vào cấp trên
Để có được lòng tin của nhà tuyển dụng, bạn phải chứng tỏ mình có thể làm việc độc lập và có đủ tự tin để chủ động thực hiện quyết định cấp bách trong những tình huống phát sinh (thường là để giải quyết yêu cầu của khách hàng) chứ không nhất thiết phải đợi cấp trên hỗ trợ hoặc chỉ đạo.
9. Khả năng đồng cảm với người khác
Khả năng đồng cảm thể hiện qua việc bạn biết đặt mình vào vị trí của người khác để thấy những gì họ thấy, cảm nhận những gì họ cảm nhận và nhờ đó làm tăng nguồn năng lượng tích cực nơi họ.
Hãy thể hiện tố chất này thông qua việc cho nhà tuyển dụng thấy cách bạn đã từng “chuyển hóa” mối quan hệ đối đầu thành quan hệ tích cực và cả cách bạn đã xây dựng thành công một mối quan hệ tốt đẹp.
10. Biết cách giao tiếp tốt
Việc giao tiếp tốt tưởng như vô cùng bình thường nhưng mang lại 2 tác dụng tích cực: Thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho người đối diện và quyết định sự tôn trọng của họ dành cho bạn. Vì vậy, hãy khẳng định sự hiện diện của mình bằng cách cư xử hết sức lịch thiệp với mọi người mà trước tiên là người đang phỏng vấn bạn.
Leave a Reply