9 sai lầm chết người sẽ làm cho nhân viên nghỉ việc của sếp ‘đoảng’
Bắt nhân viên làm việc quá sức, không quan tâm và khen thưởng kịp thời, hay đặt mục tiêu như thách đố sẽ khiến các lãnh đạo mất dần nhân lực.
Các lãnh đạo thường có xu hướng đổ lỗi cho mọi thứ khi nhắc đến việc nhân viên bỏ công ty, mà bỏ qua vấn đề then chốt là phần lớn lao động không bỏ việc, họ chỉ rời bỏ lãnh đạo mà thôi. Theo Entrepreneur, điều này có thể dễ dàng tránh được, chỉ cần các lãnh đạo nhìn nhận lại vấn đề và thay đổi phương thức ứng xử với nhân viên. Dưới đây là 9 sai lầm mà các sếp thường mắc phải khiến nhân viên nghỉ việc.
1. Bắt nhân viên làm việc quá sức
Không có gì “đốt cháy” nhân viên giỏi nhanh hơn việc bắt họ lao động quá sức. Đây là cái bẫy các nhà quản lý thường phạm phải khi muốn nâng cao hiệu suất công việc. Đôi khi, áp đặt quá mức sẽ phản tác dụng, thay vì thúc đẩy nhân viên tập trung hơn vào công việc, nó khiến họ mệt mỏi và cảm thấy làm việc là một gánh nặng. Nghiên cứu mới nhất từ Đại học Stanford cho thấy, năng suất của nhân viên giảm mạnh khi số giờ làm việc trong tuần vượt quá 50, và giảm nhiều hơn nữa sau 55 giờ nếu không nhận được thêm bất kỳ đãi ngộ nào.
Tăng lương, thăng chức hay thay đổi cách làm việc là những vấn đề lãnh đạo nên cân nhắc trước khi yêu cầu nhân viên nâng cao hiệu suất công việc. Còn nếu không, chắc chắn họ sẽ xin nghỉ để chuyển sang công ty khác có đãi ngộ tốt hơn.
2. Không ghi nhận và trao thưởng cho những đóng góp xuất sắc
Bất kỳ ai cũng muốn được người khác công nhận khả năng của mình, đặc biệt là khi họ đã cố gắng rất nhiều để đóng góp cho tập thể. Đừng nghĩ rằng chỉ vài lời khen sáo rỗng hay một cái vỗ vai động viên đã thoả mãn được họ. Nhân viên muốn công lao của mình được ghi nhận và công khai cho mọi người. Động lực làm việc của họ sẽ biến mất nếu sếp coi đóng góp đó là điều đương nhiên. Khi đó, họ chỉ làm để chống đối mà thôi.
3. Không quan tâm đến nhân viên
Khi được hỏi lý do nghỉ việc, hơn một nửa nhân viên nói rằng vấn đề nằm ở mối quan hệ giữa họ với ông chủ. Người quản lý các doanh nghiệp thành công luôn biết làm thế nào để gắn kết mình với cấp dưới, bằng cách bày tỏ sự quan tâm đúng mực. Đó là những ông chủ sẽ ăn mừng thành công của nhân viên hay đồng cảm với cấp dưới khi họ phải trải qua thời kỳ khó khăn. Bạn sẽ không thể làm việc 8 giờ mỗi ngày cho một người chẳng quan tâm gì ngoài kết quả công việc của nhân viên.
4. Không giữ đúng cam kết
Vị trí lãnh đạo không chỉ được xây dựng trên quyền lực, mà còn phải dựa vào uy tín. Chỉ khi mọi nhân viên đều tin tưởng và nghe theo thì lãnh đạo mới thật sự trở thành người dẫn đầu của họ. Cũng vì vậy, không giữ đúng cam kết trở thành điều tối kỵ trong quá trình quản lý. Lời cam kết là minh chứng cho sự tin tưởng giữa hai bên, khi nhân viên đã thực hiện đúng chức trách của mình thì người lãnh đạo cũng phải giữ lời hứa.
5. Tuyển dụng và cất nhắc những người không có năng lực phù hợp
Những nhân viên làm việc chăm chỉ, có năng lực luôn muốn làm việc với các đồng nghiệp có cùng chí hướng. Khi lãnh đạo tuyển dụng những nhân viên chuyên môn kém, không có năng lực sẽ ảnh hưởng đến các cá nhân khác trong quá trình làm việc nhóm. Cất nhắc sai người thậm chí còn tồi tệ hơn. Trao cơ hội phát triển cho người không phù hợp đồng nghĩa với việc cướp mất cơ hội của những nhân viên khác có năng lực hơn. Điều này vừa làm giảm hiệu suất lao động tập thể, vừa gây sự bất mãn cho nhân viên.
6. Không để nhân viên theo đuổi đam mê
Những nhân viên tài năng luôn có đam mê. Tạo điều kiện để họ theo đuổi niềm đam mê là một cách rất tốt để cải thiện năng suất và mức độ hài lòng của họ đối với công việc. Tuy nhiên, nhiều quản lý lại lo sợ năng suất sẽ giảm nếu để họ tập trung vào một điều khác ngoài công việc.
Đây là một nhận định vô căn cứ. Các nghiên cứu cho thấy, những người có thể theo đuổi đam mê thường làm việc hăng hái hơn. Họ biết cách sắp xếp công việc sao cho hợp lý để chúng hỗ trợ nhau. Vì vậy, thay vì quá khắt khe trong những vấn đề riêng tư, các lãnh đạo cần cho nhân viên không gian để phát triển toàn diện.
7. Không phát triển kỹ năng cho nhân viên
Khi ứng tuyển vào một công ty nào đó, ngoài vấn đề tiền lương, nhân viên thường quan tâm đến công tác đào tạo, cơ hội phát triển mà mình sẽ nhận được trong quá trình làm việc. Khi tuyển dụng được một nhân viên tài năng, hãy chú ý đến việc đào tạo để nâng cao trình độ cho họ, từ đó có thể cải thiện năng suất và hiệu quả công việc. Nếu bỏ qua vấn đề này, các sếp sẽ rất dễ khiến nhân viên cảm thấy nhàm chán, trì trệ.
8. Ngăn cấm nhân viên sáng tạo
Nhiều người ví môi trường công sở như một cái hộp kín, nhân viên là những cỗ máy hàng ngày lặp đi lặp lại các công việc đơn điệu trong đó. Những nhân viên tài năng luôn có xu hướng cải thiện mọi thứ liên quan đến công việc của họ nhằm tăng hứng thú, từ đó tăng năng suất lao động. Việc ngăn cấm nhân viên sáng tạo không chỉ khiến công việc đi theo lối mòn, không có sự bứt phá. Mà lâu dần, nó tích tụ thành sự bất mãn, khiến nhân viên cảm thấy tẻ nhạt, trở nên chán ghét công việc.
9. Đặt mục tiêu như thách đố
Mục tiêu là động lực để hoàn thành công việc. Nhưng nó sẽ biến thành quả tạ treo lơ lửng trên đầu nhân viên nếu quá nặng và quá xa vời. Thay vì đặt một mục tiêu ngắn hạn, cụ thể, nhà lãnh đạo giỏi thường đặt mục tiêu tổng quát, khiến cho cấp dưới phải nỗ lực hết khả năng để giải quyết.
Sau đó, sếp sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn và khả năng của mình để tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân viên thành công. Với những nhân viên thông minh, có năng lực, họ rất dễ trở nên nhàm chán khi được giao các công việc quá dễ dàng. Khi đó, họ sẽ có xu hướng bỏ việc để tìm kiếm những doanh nghiệp cho mình môi trường làm việc nhiều thách thức hơn.
Leave a Reply